Đinh Lăng – Nhận biết, công dụng và cách sử dụng tốt cho sức khỏe

Rate this post

Từ thời xa xưa đến nay, cây Đinh lăng đã được mọi người xem như một loại thần dược, một vị thuốc quý chữa bệnh được lưu truyền từ bao đời nay. Dù vậy không phải ai cũng biết rõ tác dụng dược lý của nó. Cả rễ, thân, lá Đinh lăng đều có thể dùng làm thuốc chữa một số bệnh. Tuy nhiên cũng như các loại thảo dược khác, chỉ nên sử dụng khi cần thiết và không dùng quá liều sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt về sau. Vậy để hiểu và ứng dụng cây Đinh lăng làm thuốc đạt được hiệu quả tối ưu, chúng tôi mời các bạn cùng Siêu thị Y tế tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Giới thiệu cây Đinh lăng / Radix Polysciacis

gioi-thieu-ve-cay-dinh-lang.jpg

Cây đinh lăng thuộc họ nhân sâm

Đinh lăng hay còn gọi là sâm Nam Dương hay Cây gỏi cá, Đinh lăng nếp – Polyscias fruticosa (L,) Harms (Tieghemopanax fruticosus R Vig.), thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae.

Mô tả

Trong dân gian có rất nhiều loại Đinh lăng, tuy nhiên chỉ có duy nhất một loại cây Đinh lăng được dùng làm thuốc. Đó là cây Đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa). Đây là loại phổ biến nhất ở Việt Nam, là loại tốt nhất vì có chứa nhiều chất saponin như nhân sâm, cây còn được gọi là sâm Nam Dương hay Gỏi cá hay Đinh lăng nếp. Ở Trung Quốc, người ta còn gọi cây Đinh lăng là cây “Vũ diệp Nam Dương sâm” vì đặc điểm lá cây của nó, lá xòe rũ như lông chim. Cây có hoa màu trắng xám, lá có hình lông chim, chiều cao lên đến 2m nếu được chăm sóc trong môi thường thuận lợi.

Đinh lăng là loại thực vật nhỏ dạng bụi, thân gỗ, chiều cao khoảng 0.8 – 2m, thân nhẵn và không có gai, ít phân nhánh, các nhánh non có nhiều lỗ bì lồi.

Lá kép mọc so le, có bẹ, phiến lá dạng xẻ lông chim 3 lần, không có lá kèm rõ, chiều dài dao động khoảng 20 – 40cm. Phiến lá chét có răng cưa không đều, chóp nhọn, cuống nhỏ, dài 3 – 10mm và có mùi thơm nhẹ.

Hoa nở từ tháng 4 đến tháng 7, mọc thành cụm, mỗi cụm hoa gồm nhiều tán, mỗi tán có nhiều hoa nhỏ 5 cánh màu trắng xám, dài 7 – 18mm và chứa nhiều hoa nhỏ bên trong. Nhị hoa gầy, thường có 5 nhị, 5 tràng và bầu hạt có 2 ngăn, các nhụy hoa ngắn và mảnh.

Quả Đinh lăng thuộc loại quả hạch có màu trắng bạc, hình trứng, dày khoảng 1mm, dài 3-4 mm, có vòi.

Rễ cong queo, thường được thái thành các lát mỏng, mặt cắt ngang màu vàng nhạt. Mặt ngoài màu trắng xám có nhiều vết nhăn dọc, nhiều lỗ vỏ nằm ngang và vết tích của các rễ con.

Những loại cây sau cũng có tên tương tự, hình dáng đẹp nhưng thường dùng làm cảnh và không có tác dụng dược lý, không được dùng làm thuốc:

  • Cây Đinh lăng lá to (Polyscias Filicifolia): Còn có tên gọi khác là Đinh lăng lá lớn, Đinh lăng tẻ, Đinh lăng ráng: Lá của loại cây này rất to, lá kép có 11-13 lá nhỏ, mỏng, hình mũi mác có răng cưa to và sâu, không xẻ thùy, mọc cân đối trên bẹ lá. Ngoài ra còn có màu sẫm hơn loại lá nhỏ, không có viền bạc bên ngoài.
  • Cây Đinh lăng lá tròn (Polyscias Balfouriana): Còn có tên gọi khác là Đinh lăng vỏ hến: Lá nhỏ hình tròn, không chia thùy, từ bẹ lá lên chỉ có 1 lá duy nhất, mép lá không có răng cưa, mặt lá bóng và phẳng.
  • Cây Đinh lăng lá răng (Polyscias Serrata Balf): Cây có tầm vóc nhỏ và thấp với thân nhẵn, mỗi lá gồm 3 lá con, dáng lá tròn xẻ như răng cưa ở viền ngoài, mặt lá trơn bóng có màu xanh đậm.
  • Cây Đinh lăng lá bạc (P.guilfoylei var. laciniata): Còn có tên gọi khác là Đinh lăng trổ, Đinh lăng viền bạc: Nhìn tổng thể cây có hình dáng bắt mắt, dáng lá rất đẹp, viền màu trắng bạc hài hòa, mỗi lá gồm 3-5 lá con, mỗi lá con xẻ 3 cạnh. Cây này thường được trồng làm cảnh dạng bonsai.
  • Đinh lăng lá vằn (Polyscias Guilfoylei): Cây này có hình dáng lá đẹp mềm mại như những cánh hoa, mép lá có hình răng cưa, viền trắng và phần trắng này nhiều hơn so với Đinh lăng lá bạc. Cây này rất hiếm gặp.
  • Cây Đinh lăng đĩa (Polyscias scutellaria): Cây này có dáng lá đặc trưng, to, tròn, hơi khuyết tại giao điểm cuống. Loại cây này rất hiếm gặp ở Việt Nam.
  • Cây Đinh lăng lá nhuyễn còn có tên gọi khác là Đinh lăng lá kim: Lá rất nhỏ, không có phiến lá rõ rệt, màu xanh vàng. Cây thường sinh trưởng kém dù cùng điều kiện chăm sóc. Loại này không có nhiều giá trị.

Nguồn gốc

Cây có nguồn gốc từ các đảo Thái Bình Dương, Madagascar, mọc ở cả Lào và miền nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây Đinh lăng được trồng khắp nơi trên đất nước, trồng làm cảnh, trồng lấy thuốc ở bệnh viện, trạm xá, đình chùa, sân nhà, vườn thuốc vì là dược liệu chữa bệnh. Ngoài ra cây còn dùng làm cảnh do có lá xòe xum xuê xanh tốt quanh năm, rất đẹp mắt.

Điều kiện sinh trưởng

Đây là loại cây sống lâu năm, có khả năng tái sinh dinh dưỡng cao. Tuy nhiên không chịu được úng hạn, nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất là 22-23 độ C. Cây thích hợp ở khí hậu nhiệt đới có hai mùa rõ rệt vì đặc tính ưa đất cao ráo, ánh sáng, hơi ẩm nhiều.

Người ta thường trồng chủ yếu bằng cách giâm cành: Chọn những cành già, chặt thành đoạn ngắn 15-20cm, cắm nghiêng xuống đất. Trồng vào tháng 2-4 hoặc tháng 8-10.

Thu hái, chế biến

Toàn cây đinh lăng thì bộ phận nào cũng đều dùng được: rễ, thân, lá, cành, hoa. Tuy nhiên khi chế biến các vị thuốc thì rễ Đinh lăng được dùng nhiều hơn cả.

Rễ cây Đinh Lăng: Người ta thường thu hoạch rễ cây Đinh lăng trồng từ 3 năm trở lên (cây trồng càng lâu năm càng tốt) vào mùa thu – đông, lúc này rễ mềm và có dược tính chữa bệnh. Nếu rễ nhỏ sẽ lấy cả củ, còn với rễ to chỉ thu hoạch vỏ rễ. Đào lấy rễ rửa sạch đất cát, thái lát, sấy khô hoặc phơi khô chỗ mát thoáng gió để đảm bảo mùi thơm và phẩm chất. Lúc sử dụng thì có thể ngâm rượu hoặc để nguyên làm thuốc. Đinh lăng chế rượu gừng và mật: Tẩm rượu gừng 5% vào đinh lăng sống, trộn đều cho thấm rượu gừng, sao qua nhỏ lửa. Tẩm thêm mật ong, trộn đều cho thấm mật rồi sao vàng cho thơm. Dùng 5 lít rượu gừng 5% và 5kg mật ong cho 100kg dược liệu.

Hoa Đinh Lăng: Hoa thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 khi hoa còn nụ thì có thể dùng làm thuốc. Sau đó đem phơi khô hoa rồi ngâm rượu. Có thể dùng hoa tươi ngâm rượu nhưng không công dụng mạnh bằng hoa khô.

Lá Đinh Lăng: Lá có thể thu hoạch quanh năm, tuy nhiên chỉ nên thu hoạch lá khi cây Đinh lăng có tuổi từ 3 năm trở lên sẽ cho công dụng tốt nhất. Có thể dùng lá Đinh lăng ở dạng tươi để sắc lấy nước uống, dùng làm nước tắm, giã nát đắp lên vết thương… Còn đối với dạng khô thì có thể dùng làm gối, lót giường nằm trị mất ngủ, co giật ở trẻ em…

Bảo quản

Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng, độ ẩm cao,… Thỉnh thoảng nên đem sấy hoặc phơi khô để tránh ẩm mốc và biến chất.

Thành phần

Cây Đinh lăng chứa hàm lượng thành phần hóa học dồi dào, đặc biệt là ở phần rễ. Nghiên cứu cho thấy rễ củ của dược liệu chứa 8 loại saponin, trong có nhiều loại saponin tương tự nhân sâm. Ngoài ra, dược liệu còn chứa hơn 20 loại axit amin như lyzin, methionin, lyzin…; vitamin như vitamin C, vitamin B1, B2, B6, … và các khoáng chất thiết yếu.

Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Quy vào kinh Phế, Tỳ, Thận.

Công năng

Bổ khí, lợi sữa, điều kinh, giải độc.

Chủ trị

Suy nhược cơ thể và suy nhược thần kinh, tiêu hóa kém, ngủ kém, phụ nữ sau sinh ít sữa.

Cách dùng và liều dùng cây Đinh Lăng

Ngày dùng từ 10g-15g dạng thuốc sắc hay 0,25-0,50g thuốc bột. Tùy vào từng bệnh nhân với các triệu chứng cụ thể và cách dùng mà có thể linh hoạt dùng liều phù hợp. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác trong điều trị toàn diện.

Ứng dụng

Đinh lăng có công dụng chính là tăng cường thể lực, bồi bổ sức khỏe và phòng chống bệnh tật… Người ta ví cây Đinh lăng là nhân sâm của người Việt, có tác dụng tương tự như Sâm Ngọc Linh hay nhân sâm Hàn Quốc, được dùng để làm thuốc, làm cảnh, hay làm rau ăn sống cùng một số món ăn như là món gỏi cá… Ngoài ra còn có thể làm gối nằm, ngâm rượu uống, nấu nước tắm,…

Đinh lăng là thuốc tăng lực. Nó làm tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với các yếu tố bất lợi như mệt mỏi, stress, khí hậu khắc nghiệt…

Đinh lăng dùng làm thuốc bổ, trị suy nhược cơ thể, tiêu hoá kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, sản hậu huyết nhức mỏi.

Còn dùng làm thuốc chữa ho, ho ra máu, thông tiểu tiện, chữa kiết lỵ…

Ở Ấn Độ, người ta dùng Đinh lăng điều trị sốt, làm săn da.

Nó cũng làm tử cung co bóp mạnh hơn.

Đinh lăng ít độc hơn cả nhân sâm và khác với nhân sâm, nó không làm tăng huyết áp.

  • Rễ cây Đinh Lăng: Tính mát, vị ngọt, hơi đắng, không độc, bổ 5 tạng, có công dụng bồi bổ khí huyết, đả thông kinh mạch, tăng sức chịu đựng, dẻo dai cho cơ thể, làm nhịp tim trở lại bình thường và gia tăng sức chịu nóng đối với những vận động viên. Khác với nhân sâm làm tăng huyết áp khi sử dụng, Đinh lăng giúp ổn định tim mạch và huyết áp. Ngoài ra còn có khả năng giúp tăng cân, bồi bổ sức khỏe, giúp ăn ngon, ngủ tốt, tinh thần sảng khoái, khỏe mạnh…

re-cay-dinh-lang.jpg

Rễ cây đinh lăng có công dụng bổ tạng, bổ khí huyết

  • Lá Đinh lăng: Vị nhạt, hơi đắng, tính bình, kháng dị ứng được sử dụng để giải độc thức ăn, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng viêm, dùng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, chữa ho ra máu, kiết lỵ,…

la-cay-dinh-lang-chua-benh-gi.jpg

Lá đinh lăng có công dụng hỗ trợ giấc ngủ, phòng bệnh kinh giật,..

+ Lá phơi khô đem lót gối hoặc trải giường cho trẻ em nằm để đề phòng bệnh kinh giật.

+ Có thể sao lá đinh lăng làm gối hỗ trợ giấc ngủ cho bé

+ Phụ nữ sau khi sinh uống nước sắc lá Đinh lăng khô, thấy cơ thể nhẹ nhõm, khoẻ mạnh có nhiều sữa.

+ Lá tươi 50-100g băm nhỏ cùng với bong bóng lợn trộn với gạo nếp nấu cháo ăn cũng lợi sữa.

+ Lá Đinh lăng phối hợp với các loại thuốc khác làm bột hạ nhiệt và cũng dùng như thuốc giảm đau.

+ Dùng lá xông làm ra mồ hôi và chứng chóng mặt.

+ Dùng tươi giã nát đắp ngoài trị viêm thần kinh, thấp khớp và các vết thương.

+ Lá nhai nuốt nước với một chút phèn trị hóc xương cá.

+ Trong nước, rượu lá Đinh lăng có nhiều hoạt chất có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn đường ruột, vi khuẩn sinh mủ trong cơ thể.

  • Thân và cành Đinh lăng được sử dụng để chữa đau lưng và phong tê thấp.
  • Vỏ cây nghiền thành bột làm thuốc uống hạ nhiệt.

Lưu ý khi sử dụng cây Đinh Lăng

Chỉ sử dụng cây Đinh lăng có tuổi đời từ 3 năm trở lên, tốt nhất là từ 3-5 năm tuổi, những cây ít hơn 3 năm tuổi thì chưa đủ dược tính, còn những cây quá già hơn 10 năm thì có thể rễ cây đã bị lão hóa, các chất dinh dưỡng không còn nhiều như trước.

Không sử dụng đinh lăng với liều cao vì sẽ bị tác dụng phụ của saponin là phá huyết gây nên mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa. Ngoài ra, Alcaloid có trong cây cũng sẽ gây nên hiện tượng hoa mắt chóng mặt.
Phụ nữ mang thai không sử dụng cây Đinh lăng.
Những người có bệnh gan mật không sử dụng cây Đinh lăng.

Liều độc

So với nhân sâm và ngũ gia bì thì cây đinh lăng ít có độc tính hơn. Theo thí nghiệm với chuột thì liều độc của nhân sâm là 16,5g/kg, ngũ gia bì là 14,5g/kg trong khi đó liều độc của đinh lăng là 32,9 g/kg. Cho chuột uống với liều 50g/kg thể trọng thì vẫn sống bình thường. Khi bị nhiễm độc thì dẫn đến sung huyết ở não, gan, thận, tim.

Tóm lại, Đinh lăng là một loại thảo dược quý có thể thay thế nhân sâm, chúng đã và đang được ứng dụng rộng rãi để phòng và điều trị nhiều loại bệnh. Tuy nhiên có rất nhiều cây cũng có tên Đinh lăng hoặc có những đặc điểm sinh học tương tự nên ta cần phân biệt rõ và chọn đúng Đinh lăng lá nhỏ để dùng làm dược liệu. Ngoài ra khi dùng Đinh lăng làm thuốc cần chú ý liều lượng và cách dùng để đạt hiệu quả tối ưu như mong muốn. Chỉ dùng khi cần thiết và dùng đúng liều, đúng cách. Không được dùng rễ Đinh lăng với liều cao vì sẽ gây say thuốc, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy.

Nếu như có bất kỳ thắc mắc nào về cây Đinh lăng hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0398883456 để được giải đáp. Với những ứng dụng trên thì ngoài cách dùng đơn độc một mình thì Đinh lăng còn là thành phần không thể thiếu trong các bài thuốc chữa những chứng bệnh cụ thể. Để tìm hiểu sâu hơn những bài thuốc ấy, Siêu Thị Y tế hẹn quý đọc giả vào bài viết lần sau nhé!

Bác sĩ Y học cổ truyền – Nguyễn Thị Thùy Trang

Trả lời