Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp giúp điều trị cao huyết áp hiệu quả. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị cao huyết áp nhưng bác sĩ chỉ hướng dẫn thực hiện những thay đổi về lối sống. Vì thế, không ít người có băn khoăn không biết huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
Huyết áp bao nhiêu được gọi là cao?
Đầu tiên, trước khi giải đáp thắc mắc “Huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc” thì bạn cần biết như thế nào thì được gọi là huyết áp cao và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hiểm họa như thế nào.
Bình thường, với một cơ thể khỏe mạnh thì huyết áp thường có giá trị là 120/80 mmHg. Nếu huyết áp tâm thu trên 135mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg sẽ được gọi là tăng huyết áp.
Cao huyết áp được chia thành các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn tiền cao huyết áp: Ở giai đoạn này chỉ số huyết áp tâm thu ở mức từ 130 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 85 – 89 mmHg
- Giai đoạn cao huyết áp độ 1: Chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 – 99 mmHg.
- Giai đoạn cao huyết áp độ 2: Chỉ số huyết áp tâm thu trên 160mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 100 mmHg
Mức độ nặng nhẹ của bệnh cao huyết áp còn phụ thuộc vào sự thay đổi của huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Nếu bị huyết áp cao, người bệnh thường xuất hiện các biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi đứng không vững…
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, huyết áp cao có thể để lại những biến chứng nguy hiểm và thậm chí là đe dọa đến tính mạng như: tổn thương động mạch vành, biến chứng về mạch máu ngoại vi, nhồi máu cơ tim, suy tim, biến chứng não… Ngoài ra còn một số biến chứng ảnh hưởng về mắt, suy thận, tiểu đường.
Do đó, khi bị cao huyết áp bạn không nên chủ quan mà cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.
Huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?
Hiện nay, dùng thuốc để kiểm soát tình trạng cao huyết áp đang được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, không nhất thiết là lúc nào chỉ số huyết áp tăng cao thì người bệnh cũng cần phải dùng thuốc. Việc điều trị bằng thuốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm:
- Nguyên nhân gây cao huyết áp
- Tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Tuổi tác, tiền sử bệnh lý
- Thuốc mà người bệnh đang sử dụng.
Để có thông tin chính xác nhất về huyết áp cao bao nhiêu cần phải uống thuốc thì bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của tình trạng cao huyết áp cũng như thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định trường hợp nào nên dùng thuốc trường hợp nào không. Cụ thể:
Giai đoạn tiền cao huyết áp
Ở giai đoạn này, thường thì người bệnh chủ yếu được khuyên thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt để ổn định lại huyết áp và ít khi dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thăm khám nếu có xuất hiện yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng thì bác sĩ có thể cân nhắc tư vấn dùng thuốc.
Giai đoạn cao huyết áp độ 1
Ở giai đoạn này, người bệnh cũng không nhất thiết phải dùng thuốc hoặc nếu có thì chỉ dùng ở liều lượng ít. Cụ thể như sau:
- Với trường hợp người bệnh không có bệnh lý nền, ít nguy cơ gây biến chứng thì chỉ cần thay đổi lối sống sinh hoạt.
- Với trường hợp bệnh nhân có thêm các yếu tố như: thừa cân, mắc bệnh tiểu đường thì chắc chắn bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc kết hợp với việc thay đổi chế độ sinh hoạt.
Giai đoạn cao huyết áp độ 2
Ở giai đoạn này, gần như người bệnh bắt buộc phải sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp cùng với việc thay đổi lối sống. Về liều lượng và loại thuốc bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp với từng trường hợp.
Loại thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của bạn và mức độ huyết áp của bạn. Hai hoặc nhiều loại thuốc huyết áp thường có tác dụng tốt hơn một loại. Có thể mất một thời gian để tìm ra loại thuốc hoặc sự kết hợp các loại thuốc phù hợp nhất với bạn.
Các loại thuốc điều trị cao huyết áp thường dùng
Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể sử dụng kết hợp hoặc đơn lẻ để kiểm soát huyết áp. Với mỗi trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc phù hợp.
Các nhóm thuốc dùng để điều trị huyết áp cao bao gồm:
Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này giúp loại bỏ natri và nước khỏi cơ thể. Chúng thường là những loại thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị huyết áp cao. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc lợi tiểu là đi tiểu nhiều. Đi tiểu nhiều có thể làm giảm nồng độ kali. Sự cân bằng tốt của kali là cần thiết để giúp tim đập chính xác. Nếu bạn có lượng kali thấp (hạ kali máu), bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali có chứa triamterene.
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Những loại thuốc này giúp thư giãn mạch máu. Chúng ngăn chặn sự hình thành của một chất hóa học tự nhiên làm thu hẹp mạch máu.
Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB). Những loại thuốc này cũng làm thư giãn mạch máu. Chúng ngăn chặn hoạt động chứ không phải sự hình thành của một chất hóa học tự nhiên làm thu hẹp mạch máu.
Thuốc chặn canxi. Nhóm thuốc này cũng giúp thư giãn các cơ của mạch máu. Một số thuốc làm chậm nhịp tim. Thuốc chẹn canxi có thể có tác dụng tốt hơn đối với người lớn tuổi so với thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) đơn thuần.
Ngoài các nhóm thuốc kể trên, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc khác để điều trị cao huyết áp bao gồm: thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta, thuốc đối kháng Aldosterone, thuốc ức chế renin.
Luôn dùng thuốc huyết áp theo quy định. Không bao giờ bỏ qua một liều hoặc ngừng dùng thuốc huyết áp đột ngột. Đột ngột dừng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn beta, có thể gây tăng huyết áp mạnh gọi là tăng huyết áp phản ứng.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị cao huyết áp
Để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất, khi dùng thuốc hạ huyết áp, bạn sẽ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Uống thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn: Hãy nhớ uống thuốc theo đúng liều lượng bác sĩ chỉ định, uống bao nhiêu viên, uống vào thời điểm nào trong ngày…
- Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Người bệnh nên duy trì thói quen uống thuốc hạ huyết áp vào cùng một thời điểm trong ngày để tránh tình trạng quên hoặc không nhớ mình đã uống thuốc hay chưa.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi sử dụng. Một số thành phần của thuốc có tương tác với thực phẩm hoặc thảo dược trong chế độ ăn hàng ngày nên việc đọc kỹ hướng dẫn sẽ giúp hạn chế các tác dụng không mong muốn.
- Theo dõi huyết áp tại nhà. Việc theo dõi huyết áp tại nhà và ghi chép lại sau đó thông báo với bác sĩ sẽ giúp bác sĩ biết được liệu người bệnh có đang đáp ứng tốt với loại thuốc đang sử dụng hay không. Do đó, người bệnh nên trang bị cho bản thân chiếc máy đo huyết áp có uy tín, độ chính xác cao thể theo dõi mỗi ngày. Omron là thương hiệu nổi tiếng với sản phẩm máy đo huyết áp đang được nhiều người dùng tin tưởng lựa chọn. Để có kết quả đo chính xác nhất bạn nên đo huyết áp vào cùng 1 thời điểm trong ngày và thực hiện đúng tư thế, tránh sử dụng các đồ ăn thức uống gây ảnh hưởng đến huyết áp.
- Hỏi ý kiến trước khi dùng các loại thuốc khác bởi các loại thuốc có thể phản ứng với nhau dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn.
Song song với việc lưu ý khi dùng thuốc, bạn cũng đừng quên duy trì các thói quen lành mạnh và lối sống khoa học, bao gồm:
- Duy trì chế độ ăn hợp lý, đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết, đảm bảo cung cấp đủ kali và các yếu tố vi lượng. Tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi. Giảm ăn mặn, hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều cholesterol và axit béo no.
- Giảm cân nếu quá cân: Duy trì mức cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu bị quá cân để kiểm soát huyết áp.
- Hạn chế uống rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, nếu được nên ngưng sử dụng hoàn toàn để bảo vệ sức khỏe.
- Tăng cường hoạt động thể dục thể thao đều đặn khoảng 30 – 60 phút/ngày với cường độ nhẹ hoặc vừa phải để nâng cao sức đề kháng, cải thiện quá trình lưu thông khí huyết cho cơ thể.
- Giảm lo âu, căng thẳng thần kinh
Tham khảo thêm: Huyết áp cao uống gì cho hạ?
Hy vọng bài viết trên đây đã phần nào giúp bạn giải đáp được thắc mắc huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc cũng như những lưu ý khi dùng thuốc để mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu có bất cứ băn khoăn nào khi dùng thuốc hạ huyết áp, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Nguồn:
– https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/how-know-need-high-blood-pressure-drugs
– https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20373417