Thành Phần
Furosemide………………………………….40mg
Công Dụng Của Agifuros 40Mg Agimexpharm 10X25
Chỉ định
Thuốc Agifuros 40mg được dùng trong các trường hợp sau:
Phù phổi cấp;
Phù do tim, gan, thận và các loại phù khác;
Tăng huyết áp khi có tổn thương thận;
Tăng calci huyết;
Dược lực học
Furosemid là thuốc lợi tiểu dẫn chất sulfonamid thuộc nhóm tác dụng mạnh, nhanh, phụ thuộc liều lượng. Thuốc tác dụng ở nhánh lên của quai Henle, vì vậy được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai. Cơ chế tác dụng chủ yếu của Furosemid là ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+, K+, 2CI- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle, làm tăng thải trừ những chất điện giải này kèm theo tăng bài xuất nước. Cũng có sự tăng đào thải Ca++ và Mg++.
Tác dụng lợi tiểu của thuốc mạnh, do đó kéo theo tác dụng hạ huyết áp, nhưng thường yếu. Ở người bệnh phù phổi, Furosemid gây tăng thể tích tĩnh mạch, do đó làm giảm huyết áp tiền gánh cho thất trái trước khi thấy rõ tác dụng lợi tiểu.
Dược động học
Hấp thu: Furosemid hấp thu tốt qua đường uống, tác dụng lợi tiểu xuất hiện nhanh sau 1/2 giờ, đạt nồng độ tối đa sau 1 – 2 giờ và duy trì tác dụng từ 4 – 6 giờ. Tác dụng chống tăng huyết áp kéo dài hơn. Với người bệnh phù nặng, khả dụng sinh học của thuốc giảm, có thể do ảnh hưởng trực tiếp của việc giảm hấp thu đường tiêu hóa. Sự hấp thu của Furosemid có thể kéo dài và có thể giảm bởi thức ăn.
Phân bố: Tới 99 % Furosemid gắn vào albumin huyết tương. Phần Furosemid tự do (không gắn) cao hơn ở người bị bệnh tim, suy thận và xơ gan.
Furosemid qua được hàng rào nhau thai và phân phối vào trong sữa mẹ.
Chuyển hóa, thải trừ: Furosemid được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, phần lớn dưới dạng không chuyển hóa. Nửa đời thải trừ từ 30 phút đến 120 phút ở người bình thường, kéo dài ở trẻ sơ sinh và bệnh nhân suy gan, thận.
Liều Dùng Của Agifuros 40Mg Agimexpharm 10X25
Cách dùng
Thuốc Agifuros 40mg được dùng đường uống. Nên uống trọn viên thuốc với một ly nước đầy.
Liều dùng
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
Điều trị phù:
- Liều uống bắt đầu thường dùng là 40mg/ngày.
- Điều chỉnh liều nếu thấy cần thiết tùy theo đáp ứng. Trường hợp phù nhẹ có thể dùng liều 20mg/ngày hoặc 40mg cách nhật.
- Một vài trường hợp có thể tăng liều lên 80mg hoặc hơn nữa, chia làm 1 hoặc 2 lần trong ngày.
- Trường hợp nặng, có thể phải dò liều tăng dần lên tới 600mg/ngày.
Điều trị tăng huyết áp:
- Furosemid không phải là thuốc chính để điều tri bệnh tăng huyết áp và có thể phổi hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác để điều trị tăng huyết áp ở người có tổn thương thận.
- Liều dùng đường uống là 40 – 80mg/ngày, dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác.
Điều trị tăng calci máu:
- Uống 120mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia làm 2 hoặc 3 liều nhỏ.
Trẻ em dưới 12 tuổi:
Liều dùng tính theo cân nặng của trẻ, vì vậy nên chọn dạng bào chế thích hợp cho trẻ em.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Lưu Ý Của Agifuros 40Mg Agimexpharm 10X25
Trước khi sử dụng thuốc, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Thuốc không dùng trong các trường hợp sau:
Mẫn cảm với Furosemid và với các dẫn chất sulfonamid, ví dụ như sulfamid chữa đái tháo đường cũng như với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
Rối loạn điện giải (hạ natri máu nặng, hạ kali máu nặng, giảm thể tích máu), mất nước và/ hoặc tụt huyết áp;
Tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan kèm xơ gan;
Vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan;
Bệnh Addison;
Nhiễm độc digitalis;
Phụ nữ cho con bú;
Thận trọng khi sử dụng
Những tình trạng cần điều trị trước khi dùng Furosemid:
Hạ huyết áp;
Giảm thể tích máu;
Rối loạn điện giải nặng – đặc biệt là hạ kali máu, hạ natri máu và rối loạn acid-base;
Tình trạng cần điều chỉnh liều lượng:
Bệnh nhân giảm protein huyết ví dụ như hội chứng thận hư cần chỉnh liều cẩn thận (giảm tác dụng furosemid, tăng nguy cơ độc tính trên tai).
Các trường hợp cần thận trọng:
Suy giảm chức năng gan;
Suy giảm chức năng thận và hội chứng gan-thận;
Đái tháo đường;
Người bệnh cao tuổi;
Người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc tiểu khó vì có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp;
Người bệnh gút (tăng nguy cơ tăng acid uric trong máu);
Người bệnh có nguy cơ hạ huyết áp;
Yêu cầu giám sát lâm sàng:
Loạn tạo máu, nếu xảy ra, dừng Furosemid ngay;
Tổn thương gan;
Phản ứng có tính đặc hiệu của Furosemid;
Yêu cầu giám sát các chỉ số xét nghiệm:
Theo dõi các chất điện giải, đặc biệt là kali và natri;
Chức năng thận: Xét nghiệm BUN (Blood urea nitrogen) thường xuyên trong vài tháng đầu điều trị, sau đó kiểm tra định kỳ. Nồng độ creatinin và urê trong máu có xu hướng tăng trong khi điều trị
Cholesterol và triglycerid trong máu có thể tăng lên nhưng thường trở về bình thường trong vòng 6 tháng kể từ lúc bắt đầu dùng Furosemid;
Nên ngưng Furosemid trước khi xét nghiệm glucose;
Thuốc này chứa lactose: Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu enzyme Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Chưa có thông tin về ảnh hưởng của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc, tuy nhiên, nên thận trọng vì trong thời gian uống thuốc có thể gặp tác dụng phụ: Đau đầu, tụt huyết áp và chuột rút. Thuốc có thể giảm sự tỉnh táo, làm giảm khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Thời kỳ mang thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai: Thiazid, các thuốc lợi tiểu dẫn chất thiazid và các thuốc lợi tiểu quai đều qua hàng rào nhau thai vào thai nhi và gây rối loạn nước và chất điện giải cho thai nhi. Với thiazid và dẫn chất nhiều trường hợp giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh đã được thông báo. Nguy cơ này cũng xuất hiện sau khi sử dụng thuốc lợi tiểu quai như Furosemid và bumetamid. Furosemid chỉ nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai khi lợi ích vượt trội nguy cơ.
Thời kỳ cho con bú: Dùng Furosemid trọng thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế bài tiết sữa. Furosemid không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ cho con bú.
Reviews
There are no reviews yet.